Tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến tháng 6 năm 2014

Bản in Bình luận

Các ngân hàng thương mại nhà nước hiện đang tập trung xây dựng phương án cơ cấu lại một cách toàn diện, bao gồm việc đánh giá, rà soát lại toàn bộ thực trạng hoạt động kinh doanh, đầu tư để có biện pháp cơ cấu lại phù hợp

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang được giao quản lý đối với 08 đơn vị sau đây:

- Các Ngân hàng thương mại nhà nước gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NHNo); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB);

- Ngân hàng Hợp tác xã;

- Nhà máy In tiền Quốc gia;

- Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” (Đề án) ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đang chỉ đạo các Ngân hàng thương mại Nhà nước xây dựng Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 để trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt. Kết quả sắp xếp, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quản lý như sau:

1/ Đối với các Ngân hàng thương mại nhà nước:

Đến nay, đã có 04 trên tổng số 05 Ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa, trong đó có 03 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (VCB, Vietinbank và BIDV) và có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ở 2 ngân hàng (VCB và Vietinbank).

Các Ngân hàng thương mại nhà nước hiện đang tập trung xây dựng phương án cơ cấu lại một cách toàn diện, bao gồm việc đánh giá, rà soát lại toàn bộ thực trạng hoạt động kinh doanh, đầu tư để có biện pháp cơ cấu lại phù hợp theo hướng hoạt động đa năng, hiện đại, an toàn và hiệu quả, cơ cấu lại chiến lược kinh doanh tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đa dạng hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán, ngoại hối và chú trọng phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngân hàng điện tử đa tiện ích và an toàn hơn. Ngoài ra, nội dung Phương án còn bao gồm việc cơ cấu lại công ty con, công ty liên kết, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới chi nhánh, đơn vị trực thuộc.

Bên cạnh việc chỉ đạo các Ngân hàng thương mại nhà nước xây dựng, trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Phương án cơ cấu lại đến 2015, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại nhà nước cơ cấu lại theo các giải pháp tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận sau đây:

- Các Ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD cả về quy mô về vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng;  luôn bảo đảm an toàn thanh khoản, chi trả đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ tài chính.

- Các Ngân hàng thương mại nhà nước đã tiến hành cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch trong phạm vi cả nước theo các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch trong phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn; tích cực thành lập các loại hình hiện diện thương mại tại các nước, gia nhập thị trường tài chính quốc tế và khu vực (như Campuchia, Lào, Myanmar và Châu Âu…); phát triển mạnh các kênh phân phối điện tử để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của khách hàng.

- Bên cạnh việc chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mạng lưới, các Ngân hàng thương mại nhà nước cũng tích cực tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, nhân sự. 

- Các Ngân hàng thương mại nhà nước từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng trên cơ sở đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, chuyển tiền, thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Cơ cấu tài sản được điều chỉnh theo hướng lành mạnh hơn, giảm bớt đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Sau hơn 2 năm triển khai các giải pháp tái cơ cấu, thế và lực của các Ngân hàng thương mại nhà nước đã từng bước được củng cố và cải thiện, bảo đảm thực hiện được vai trò trụ cột trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống và dẫn dắt thị trường theo mục tiêu, định hướng quản lý, điều tiết của Nhà nước.

2/ Đối với các tổ chức tín dụng và các DNNN khác:

- Đối với Ngân hàng Hợp tác xã: Ngân hàng Hợp tác xã đã xây dựng Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2013-2015. Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình tổng hợp ý kiến tham gia của các đơn vị trong NHNN và Bộ Tài chính để xem xét phê duyệt.

- Đối với Nhà máy In tiền Quốc gia: Nhà máy In tiền Quốc gia là Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, là doanh nghiệp hoạt động công ích trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Nhà máy đã thực hiện chuyển đổi mô hình thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu từ năm 2010.

- Đối với VAMC: VAMC được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN ngày 27/6/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế (Phương Lan).

Nguồn: http://www.business.gov.vn

Ý kiến độc giả

Protected by FormShield
Refresh

Cùng chuyên mục

Xem tiếp >>